Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh, năng suất lao động và học tập cao, phòng chống được nhiều bệnh, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và cân bằng giữa các nhóm. Một bữa ăn cần cân đối có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Nhóm bột đường, đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong bữa ăn của người Việt Nam thì gạo là lương thực được sử dụng nhiều nhất, cung cấp vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1, chất xơ. Với người trưởng thành, năng lượng từ nhóm các chất bột đường chỉ nên chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp (chiếm 20-25%) và chất đạm (chiếm 10-15%).
Nhóm chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (như thịt, cá, trứng, sữa...) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ…).
Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật) giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên sử dụng hạn chế. Mỡ cá và mỡ gia cầm lại có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3, omega 6, omega 9, rất có lợi cho sức khỏe.
Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...) cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi.
Để bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta cần ăn đủ bữa, cân bằng các nhóm chất trong từng bữa ăn, không bỏ bữa, không ăn kiêng. Nên tăng cường ăn các món luộc, hấp để giảm mất các chất dinh dưỡng và không làm biến đổi thực phẩm thành các chất có hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, chúng ta cần uống đủ nước hàng ngày (trung bình khoảng 1,5-2 lít), nhất là trong những ngày nắng nóng. Tăng cường ăn món canh, món súp để cung cấp thêm nước cho cơ thể và cũng giúp hệ tiêu hóa của cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.
Như vậy, trong mỗi bữa ăn, chúng ta cần có đủ 4 nhóm chất như trên để cung cấp đủ dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Cần tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin và khoáng chất, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Bên cạnh đó, cũng không quên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn để có những bữa ăn an toàn, chất lượng, tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh Covid-19